Lãnh đạo UBND tỉnh thăm hỏi điều kiện làm việc của công nhân Công ty TNHH Việt Trần (Khu Công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh).
Chú trọng kết nối việc làm giữa các địa phương
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh, để phát triển thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, đảm bảo đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và hội nhập quốc tế, Bộ LĐTB&XH tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong năm 2024.
Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.
Bộ cũng sẽ chú trọng phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; tăng kết nối cung cầu lao động trên thị trường, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm (cần nhiều lao động) với các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long (nơi có nguồn nhân lực dồi dào); đầu tư phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công lập; nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp.
Các địa phương cũng thường xuyên theo dõi diễn biến của thị trường lao động để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, thông tin thị trường lao động để kịp thời hỗ trợ việc làm cho người lao động, kết nối cung cầu lao động.
Trong 4 tháng đầu năm đã có 595.887 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng 10% so với cùng kỳ, 6.470 người được hỗ trợ học nghề, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Hoạt động kết nối việc làm với các địa phương cũng được đẩy mạnh hơn, thông qua phiên giao dịch việc làm kết nối giữa các tỉnh, thành phố, các trung tâm dịch vụ việc làm cũng có sự liên thông, chia sẻ dữ liệu. Nhờ đó, thị trường lao động các địa phương sẽ gần nhau hơn. Việc này hỗ trợ doanh nghiệp khi có nhiều nguồn tuyển lao động, cũng như người lao động sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn; công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi là việc ở nước ngoài được chú trọng.
Trong tháng 4/2024, số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 12.430 người (2.710 lao động nữ). Tính chung 4 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài là 48.363 lao động, đạt 38,7% kế hoạch năm 2024 (kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2024 là khoảng 125.000 lao động).